Những điều nên và không nên khi sơ cứu bệnh nhân bị trầy xước giác mạc
Khi tiếp xúc với bụi, đất, cát, mùn cưa, bụi kim loại… cũng có thể gây trầy xước giác mạc. Cần sơ cứu đúng cách để bảo vệ sức khỏe và thị lực cho đôi mắt.
Trầy xước giác mạc có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa nếu để nhiễm trùng do không được sơ cữu, chữa trị kịp thời.
Trầy xước giác mạc là gì?
Trầy xước giác mạc là vết trầy trên bề mặt giác mạc do dị vật gây ra. Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, có vai trò như “tấm chắn” bảo vệ, đồng thời kết hợp với thủy tinh thể và đồng tử tập trung ánh sáng từ hình ảnh truyền đến võng mạc bên trong nhãn cầu. Những dị vật như bụi, hạt cát, côn trùng nhỏ… có thể bay vào mắt và dính hoặc bám lại trên giác mạc. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
Khi giác mạc bị trầy xước, nạn nhân cảm thấy như có cát trong mắt, nước mắt chảy, nhìn mờ, tăng sự nhạy cảm hoặc đỏ quanh mắt, đau nhức nhiều ở mắt, sợ ánh sáng. Khám giác mạc có thể phát hiện dị vật.
Trầy xước giác mạc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và trong bất kỳ hoạt động thường ngày như vận động, đi đường, sửa chữa hoặc thậm chí vô tình chạm mạnh tay vào giác mạc. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ hoặc đeo kính bảo hộ.
Mắt cảm thấy thế nào khi bị xước giác mạc
Hầu hết nếu xuất hiện dị vật ở giác mạc, mắt bạn có thể bị đỏ, đau và trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Thị lực có thể bị nhòe tạm thời. Nếu dị vật gây ra vết trầy ở giác mạc, bạn có thể cảm thấy:
– Nóng, kích ứng, đau, đỏ hoặc chảy nước mắt
– Suy giảm thị lực
– Chói sáng, cộm xốn như có hạt cát trong mắt
Những yếu tố làm tăng nguy cơ trầy xước giác mạc
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra trầy xước giác mạc. Dị vật bay hoặc bám vào mắt là nguyên nhân chính gây ra trợt giác mạc. Những dị vật nhỏ như bụi, hạt cát bám lâu ở mí mắt có thể gây ra vết trầy ở giác mạc khi bạn chớp mắt. Khói thuốc lá, đeo kính sát tròng trong thời gian dài, chà xát mắt hoặc mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cũng có thể gây ra trợt giác mạc.
Khả năng bị trầy xước giác mạc hoặc dị vật bay vào mắt tăng cao nếu bạn:
– Đeo kính áp tròng
– Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi như xưởng gỗ, xưởng dệt may… mà không mang kính bảo hộ
– Sống ở nơi nhiều cát hoặc bị ô nhiễm
– Chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ.
Những điều nên và không nên khi sơ cứu bệnh nhân bị trầy xước giác mạc
Trong trường hợp bị trầy xước giác mạc, bạn cần phải đi khám bác sĩ kịp thời. Các bước bạn nên làm ngay sau khi bị trầy xước giác mạc là:
– Sau khi bị xước giác mạc, cần nhanh chóng lấy nước sạch hoặc nước muối sinh lý đổ đầy cốc hoặc một chiếc ly sạch, nhỏ. Đặt rìa mép cốc tì vào xương nền hốc mắt. Sau đó chớp chớp mắt nhiều lần vào nước để dị vật trôi ra theo làn nước.
– Nếu bị nạn ở nơi làm việc không có đầy đủ nước muối thì để cho vòi nước ấm chảy qua mắt hoặc bắn nước vào mắt. Rửa mắt có thể làm trôi đi dị vật gây khó chịu.
– Thực hiện chớp mắt nhiều lần trong làn nước và cả bên ngoài. Động tác này có thể loại bỏ những hạt bụi hoặc cát nhỏ.
– Kéo mi mắt trên qua mi mắt dưới. Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt trong của mi mắt trên
– Tuyệt đối tránh dụi mắt sau khi bị thương. Tránh đụng chạm hoặc ấn vào mắt có thể làm xước giác mạc nặng thêm.
– Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đau thì tra ngay thuốc mỡ kháng sinh cho mắt sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi. Nếu bị xước nhẹ, chỉ băng một đêm, sáng hôm sau mắt đã dễ chịu hơn.
– Tuy nhiên nếu tra thuốc mỡ, băng mắt lại mà không thấy dịu hơn, mắt vẫn khó mở, đau xót, chảy nước mắt giàn giụa, sợ sáng, đau chói thì phải đến viện khám. Vì khi đó, thương tổn có thể không chỉ đơn giản là xước giác mạc mà còn có chấn thương sâu, nặng hơn.
Hãy chú ý tránh những động tác sau có thể làm vết thương thêm trầm trọng:
– Không nên cố lấy dị vật đã cắm vào nhãn cầu. Cũng nên tránh cố lấy dị vật lớn gây khó nhắm mắt.
– Không nên dụi mắt sau khi bị thương. Đụng hoặc ấn vào mắt có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm.
– Không đụng vào nhãn cầu bằng gạc bông, nhíp hay bất cứ dụng cụ nào. Điều này có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm.
– Xước giác mạc nhẹ thường tự khỏi trong vòng từ 24 giờ đến 48 giờ.
Cách phòng tránh trầy xước giác mạc
Đeo kính bảo hộ khi bạn ở gần các loại máy móc có chức năng tạo ra các mảnh vụn gỗ, kim loại hoặc chất liệu khác bay trong không khí (như máy cưa gỗ hoặc bình xịt cát nén).
Cắt ngắn móng tay đối với người lớn, trẻ nhỏ và ngay cả trẻ nhũ nhi cũng vậy.
Cắt những nhánh cây ở tầm thấp.
Cẩn thận khi đeo kính áp tròng vào mắt và cần đảm bảo rằng chúng được rửa sạch đúng cách mỗi ngày.
Không đeo kính áp tròng khi ngủ.
Xem thêm:
Tuyến lệ: Cấu tạo và chức năng